Sử dụng vi sinh trong nuôi tôm có loại bỏ được chất thải khỏi ao không?

(Xem nội dung bằng video hoặc đọc văn bản bên dưới)

Là câu hỏi của bạn An Nguyễn. Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi!

Câu hỏi có thể hiểu như sau: Sử dụng vi sinh trong nuôi tôm để phân hủy chất thải, vậy chất thải bị phân hủy có phải đã được loại bỏ khỏi ao nuôi không?

Câu trả lời là: chất thải sau khi bị phân hủy vẫn chưa được loại khỏi ao, mà nó chỉ chuyển thành dạng tồn tại khác và vẫn nằm trong ao nên chúng ta cần hiểu rõ để quản lý, nếu không sử dụng vi sinh sẽ là con dao 2 lưỡi.

Không có thứ gì tự nhiên sinh ra hoặc mất đi, mà nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác.

Chất thải được phân hủy sẽ chuyển thành dạng tồn tại nào trong ao?

Vi sinh khi vào ao sẽ phân hủy chất thải, phân tôm để lấy dinh dưỡng phát triển, quá trình phân hủy này tạo ra các chất dinh dưỡng trong nước, tảo và động vật phù du sẽ hấp thu để phát triển quẩn thể.

Ở đây có 1 lưu ý lớn mà chúng ta cần nắm đó là, vi sinh phân hủy chất thải trong điều kiện có oxi và không có oxi sẽ tạo ra các chất khác nhau cơ bản như sau:

Vi sinh  ⇒ phân hủy có oxi ⇒ phần lớn tạo ra sản phẩm không độc hoặc ít độc cho tôm cá (NO3+, SO42-).

Vi sinh  ⇒ phân hủy không có oxi ⇒ phần lớn tạo ra chất độc nhiều cho tôm cá (H2S , NO2).

Vậy lợi ích và bất lợi của các sản phẩm tạo ra là gì?

Lợi ích:

  • Tảo phát triển sẽ là hệ đệm sinh học cho nước, giảm biến động môi trường, che nắng cho tôm, quang hợp cung cấp oxi vào ban ngày, hấp thu tiền chất của khí độc, làm cho nước sạch hơn.
  • Nhiều loài tảo có thể tiết ra chất kiềm chế sự phát triển của vi khuẩn bao gồm vi khuẩn gây bệnh trong nước.
  • Tảo, động vật phù du chứa dinh dưỡng thiết yếu cần thiết cho sức khỏe và sinh trưởng của tôm, sẽ được ăn kèm khi dính hoặc bám vào thức ăn công nghiệp.
  • Nhiều loài ăn lọc sẽ ăn vi khuẩn gây bệnh trong nước ao và giúp hạn chế sự phát triển của chúng.
  • Hình thành chuỗi sinh học với sự có mặt có những sinh vật chỉ thị, giúp đánh giá tình hình ao nuôi tốt hơn.

Bất lợi:

  • Tất cả sinh vật này đều sử dụng oxi vào buổi tối, dẫn đến thiếu oxi cho tôm.
  • Khi tảo hoặc động vật phù du chết đồng loạt, việc phân hủy xác của chúng sẽ cần rút một lượng oxi rất lớn trong nước, mà ở giai đoạn tôm lớn thì lượng oxi trong nước thường thấp, nếu oxi trong nước bị rút đến ngưỡng sẽ xảy ra quá trình phân hủy yếm khí (phân hủy trong điều kiện oxi ít hoặc không có oxi) từ đó tạo ra rất nhiều khí độc làm tôm chết.
  • Nước giàu dinh dưỡng hòa tan sẽ là môi trường thuận lợi cho tảo mắt và tảo giáp phát triển, đa số loài tảo này có vỏ cứng gai sẽ làm tôm bị bệnh đường ruột khi ăn vào.

Cách thức tận dụng lợi ích và hạn chế điểm bất lợi

Tận dụng lợi ích:

  • Duy trì, phát triển sự hiện diện của các loài tảo có lợi trong ao (tảo lục, tảo silic…) bằng biện pháp đánh vôi để lắng tụ tảo lớn và lắng tụ Phospho, bổ sung Silic, hoặc thả cá ăn lọc tảo lớn. Từ đó giúp tôm khỏe mạnh, mau lớn.
  • Đối với ao nuôi mật độ vừa phải thì có thể tận dụng lượng oxi lớn mà tảo tạo ra vào ban ngày để giảm chạy quạt, từ đó giảm chi phí điện năng.

Biện pháp hạn chế điểm bất lợi:

  • Kiểm soát không cho tảo và động vật phù du phát triển quá mức dẫn đến suy tàn đồng loạt gây nguy hiểm: Đánh vôi lắng tụ tảo, dùng hóa chất diệt bớt định kì (Cuso4, bkc, oxi già…), thay nước.
  • Thường xuyên kiểm tra sự hiện diện của tảo xấu (tảo giáp, tảo mắt) để ngăn chặn sự phát triển của chúng và trộn thuốc bảo vệ đường ruột cho tôm nuôi.

Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi, và phân tích một số lưu ý từ câu hỏi. Cảm ơn các bạn đã tham khảo, bạn nào có câu hỏi thì có thể bình luận dưới video, mình sẽ xem và làm video trả lời nhé.

Thủy Sản Công Lý – Chỉ kinh doanh sản phẩm thật sự hiệu quả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *